THƯỞNG NGOẠN TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ (SỐ 7)

Phùng Hồng Kổn

III.  Chuẩn b nguyên vật liệu

1. Giấy Dó:

Đây là loại giấy được sản xuất bằng phương pháp thủ công từ cây Dó (Nghiên cứu tại các cơ sở sản xuất giấy dó ở Việt Nam cho thấy, về cơ bản, giấy dó sản xuất thủ công, không có tác động hoá chất tạo axít trong giấy. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò (chi Clerodendrum) tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là “huyền phù” mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng “liềm seo” (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp. Vì xốp nên giấy rất nhẹ. Sau cùng là phơi hoặc sấy. Các công cụ sản xuất hầu như bằng tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy. Giấy dó được sản xuất theo quy trình này không có độ axítdẫn đến tuổi thọ cao. Một số tài liệu cho rằng giấy dó có độ tuổi thọ tới 500 năm- theo Wikipedia)

Làm giấy Dó

. Có  các loại từ  rất mỏng đến rất dầy, gọi là bóc một, bóc đôi, bóc ba v.v…  Đông Hồ không làm giấy này mà mua ở Đống Cao – huyện Yên Phong cùng tỉnh hoặc làng Hồ Khẩu- ven Hồ Tây Hà Nội. Giấy để in tranh thường người ta chọn loại bóc ba hoặc bóc tư – không dầy quá, cũng không mỏng quá. Thời xưa giấy dó thường có khổ khoảng 25 x 70 cm, các nghệ nhân Đông Hồ  chia tranh thành ba loại theo khổ giấy:

– Tranh phá đôi: Tờ giấy dó pha đôi, kích thước khoảng 25 x 35 cm.

– Tranh phá ba: Tờ giấy dó pha ba, kích thước khoảng 25 x 23 cm – còn gọi là tranh vuông.

– Tranh phá tư: Tờ giấy dó pha tư, kích thước khoảng 25 x 17 cm – còn gọi là tranh lá mít.

Việc dọc giấy được thực hiện bằng thanh nứa hoặc dao cùn để các mép giấy xơ ra,  thêm phần dân dã.

 2. Điệp:

Con điệp

ở vùng biển Quảng Ninh  có một loại Điệp màu trắng, người ta mua vỏ của nó – đã vôi hoá qua thời gian, đổ từng đống lớn ở sân, lấy bùn trát ra ngoài, ủ độ một hai năm thì lấy ra cho vào cối giă nhỏ, dần kỹ, loại bỏ những mảnh to, cứng rồi cho vào bể ngâm vài ngày, lọc một lần nữa rồi bỏ ra đạp bằng chân  hoặc cho vào cối lấy chày xoáy – chứ không giă, gọi là “lèn điệp”. Đến khi điệp quánh lại  thì nắm thành từng nắm to bằng vốc tay, phơi thật khô rồi cất đi dùng dần. Khi làm người ta tán nhỏ ra, trộn với hồ nếp và màu, quét lên giấy dó, được một màu nền  lấp lánh vảy điệp.

Điệp; Hoa hòe; Đất đỏ

3.Những màu sắc thiên nhiên:

– Màu xanh: Vùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng có cây Chàm vẫn để nhuộm vải, người Đông Hồ mua về, bỏ vào chum, vại ngâm từ vài tháng đến một năm, lọc bỏ cặn, được thứ bột  dẻo quánh màu xanh lá cây già. (Đó chính là cây chàm mèo hoặc chàm lá to có tên khoa học là Strobilanthes cusia. Đây là loài cây nhỏ lưu niên, hoa mọc so le hay mọc đối, tràng hoa màu lam đến tím. Không chỉ có công dụng nhuộm vải, cây chàm còn là một cây thuốc quý dùng trong nhiều bài thuốc Đông y. Khi cây chàm đã lên xanh tốt, lá được hái, bỏ vào thùng nước, ngâm cho đến khi mục rữa. Sau đó xương lá chàm được vớt ra, nước trong thùng được quấy lên đến khi sóng sánh màu xanh rồi chờ tinh bột lắng xuống thì gạn ra đem phơi khô và cắt thành miếng cho tiện dùng. Khi nhuộm chàm, thợ nhuộm lấy tinh bột chàm (đã phơi khô) hoà với nước. Tạp chất này tạo ra một loại vi khuẩn tựa như dấm thanh, để tinh bột chàm “cắn” vào vải làm nên màu bền lâu phai- theo Xaluan.com)

Quét Điệp lên giấy Dó

– Màu đỏ đất:  được lấy từ  đất đỏ (dạng đá ong non) ở vùng trung du Gia Lương, Quế Võ. Loại này phải ngâm kỹ hơn, có khi tới vài năm, màu đỏ ngả nâu.

– Màu đỏ vang: Gỗ vang được trẻ nhỏ, đun kỹ, gạn lấy nước đặc được màu đỏ tươi hơn đỏ đất. (Tô mộc, còn có các tên gọi khác là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang (danh pháp khoa học: Caesalpinia sappan), là một loài thực vật thân gỗ nhỏ, cao khoảng 5-10 mét, cho gỗ rất rắn, có màu đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài, được tìm thấy ở khu vực Đông Nam Á. Gỗ của nó trong tiếng Anh gọi là brezel wood. Gỗ tô mộc đã từng là một trong các mặt hàng chủ yếu trong buôn bán giữa người Nhật Bản và người khu vực Đông Nam Á (đặc biệt là Xiêm La) trong thế kỷ 17 trên các chu ấn thuyền. Nó cũng là nguồn có giá trị để sản xuất một loại thuốc nhuộm có màu đỏ, được dùng để nhuộm các sản phẩm từ sợi bông. Tại Việt Nam, gỗ tô mộc còn là một trong những thành phần dùng để nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ rắn, gần như không bị nứt nẻ và được sử dụng để chạm khắc đồ mỹ nghệ- theo Wikipedia)

Thân cây vang cong queo như như con cò quăm, người làng vẫn truyền nhau câu ca về việc nấu gỗ vang:

Cò quăm mà ở trên rừng

Đem về nấu nướng tưng bừng suốt đêm

Hết nước thì lại đổ thêm

Một trăm gánh nước không mềm cò quăm.

–  Màu vàng  được chế từ  hoa hoè. Đó là một loại hoa nhỏ li ti như hạt gạo, đông y vẫn dùng làm nước giải nhiệt. Hoa hoè được cho vào chảo rang  đến màu vàng nâu thì cho vào nồi nước đun thật kỹ ta có  màu vàng. Sau này người ta còn dùng thêm củ nghệ và hoa giành giành làm màu vàng.

– Màu đen: Mùa lá tre rụng, các cụ già, trẻ em quét vườn quanh năm, đổ ở sân đống lá tre to như đống rơm. Người ta đốt lá tre – và cũng có khi đốt rơm nếp – đủ độ thành than  (nếu quá một tí sẽ thành tro không có màu), được đến dâu vẩy nước đến đấy, rồi cho vào chum nước ngâm đến tận tháng bảy năm sau mới dùng được.

Từ các màu trên pha với điệp và pha lẫn nhau được một bảng màu đa dạng mà mộc mạc, dân dã – được gọi là Thuốc cái.

Theo nghệ nhân Trần Nhật Tấn, một số màu khác được tạo ra như sau:

– Màu đỏ vang pha thêm phèn chua tạo ra đỏ tía, nếu thêm hòe  thì thành màu da cam, thêm điệp thì thành màu cánh sen nhạt (không sẫm như phẩm cánh sen) còn thêm chàm thì tạo ra màu nhiễu tím .

– Màu xanh chàm thêm nhựa thông tạo ra màu cẩm thạch, thêm vàng hòe tạo ra màu hoa lý.

– Màu da người được pha từ Hoàng đan (một vị thuốc bắc) và điệp.

Lý thuyết thì như vậy, thực tế thì không phải ai cũng áp dụng được, màu đẹp hay không còn do  “bàn tay vàng” của người nghệ nhân.

Tất cả các màu khi dùng dùng phải pha với hồ nếp – thứ hồ xay từ gạo nếp, ngâm vài ngày, mỗi ngày thay nước một lần, không để hồ lên men. Pha màu với hồ phải do người có kinh nghiệm làm, không có công thức nào cố định, tuỳ theo thời tiết mà gia giảm, vừa độ thì in sẽ bắt ván, đặc quá hay loãng quá đều bị bong điệp.

Thời kỳ làm tranh tô màu, Đông Hồ dùng phẩm với bảng màu như sau:

– Màu đỏ có: son, điều, cánh quế (sắc độ thẫm dần) và cánh sen.

– Màu vàng có: Vàng đất, vàng chanh.

– Màu xanh că: xanh lục, xanh lam, hồ thuỷ (da trời).

– Màu hoa hiên.

– Màu tím.

– Màu đen được chế tơ muội cao su. (người làng thường gọi là “loa” – tiếng Pháp noir  nghĩa là đen).

Ngoài ra các nghệ nhân còn pha xanh lục với vàng được màu hoa lý. Khi vẽ tranh thờ thì dùng thêm kim nhũ và ngân nhũ.

THƯỞNG NGOẠN TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ (số 1)

THƯỞNG NGOẠN TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ (số 2)

THƯỞNG NGOẠN TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ (số 3)

THƯỞNG NGOẠN TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ (số 4)

THƯỞNG NGOẠN TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ (số 5)

THƯỞNG NGOẠN TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ (số 6)

2 bình luận

  1. Tac gia chiu kho nghien cuu the ! Rat co tinh cach khoa hoc . Sach nghien cuu cong phu va nghiem tuc nhu the , chua xuat ban ma dang len nhu vay , ngo nho co nguoi ” an cap ” , ai benh vuc quyen tac gia cho ong ?

Bình luận về bài viết này